NHỮNG CHIÊU QUẢNG CÁO ĐỘC ĐÁO CỦA NGƯỜI NGA Posts by : STEVE THAI

   Bất kỳ một thương gia nào cũng đều muốn bán được nhiều hàng hoá hay dịch vụ của mình. Để thực hiện được điều đó, họ đã thực thi rất nhiều những ý tưởng marketing khác nhau. Và trong lĩnh vực này, các doanh nhân Nga đã chứng minh được rằng, sales không chỉ là một cách kiếm tiền mà còn là một nghệ thuật. 

   Bao thuốc biết bay
   Hãng quảng cáo Euro RSCG Moradpour  nhận được đơn đặt hàng thực hiện quảng cáo cho thuốc lá Mils Seven Super Lights. Hãng này cuối cùng lựa chọn ý tưởng : lấy chính bao thuốc lá làm nhân vật trung tâm của quảng cáo và để nó bay lên, vượt ra ngoài khuôn mẫu của những lối mòn.

   Trên panel quảng cáo, gói thuốc Mild Seven Super Lights đang bay lên ra khỏi khuôn của tấm panel. Tuy nhiên, hãng lại gặp khó khăn với việc đưa ý tưởng quảng cáo này lên mặt báo giấy. Các chuyên gia quảng cáo liền nghĩ ra một cách: mua luôn hai trang báo liền nhau trong một tạp chí, bên trái in hình mẫu quảng cáo bình thường, trang bên phải phía trên in hình bao thuốc lớn, phía dưới bao thuốc vẫn là những hàng chữ như bất kỳ một trang báo in bài viết nào đó. Hai trang báo này tạo cảm giác bao thuốc lá đã bay khỏi ô quảng cáo sang trang bên cạnh.

   Nikita, giám đốc marketing của hãng thuốc lá này cho biết: “Tôi thử hỏi những người quen và được biết rằng quảng cáo đã gây được sự chú ý của họ. Người ta giở tạp chí ra và bỗng thấy một bao thuốc nằm trên trang giấy. Nhưng đó không phải là quảng cáo bởi trang đó có bài viết. Quảng cáo nằm ở trang bên cạnh và ở đó không có hình bao thuốc. Khi hiểu được sự tình thì người đọc sẽ bật cười thú vị và tất nhiên sẽ nhớ rất lâu”.

   Rẻ tiền, tự nhiên mà hiệu quả
   Kẹo chocolate nhãn hiệu " Shock" rất được giới trẻ Nga yêu thích. Trước kia, hãng sản xuất loại kẹo này thường thực hiện những chương trình quảng cáo rùm beng, tốn kém với những khẩu hiệu như: chocolate Nga, chocolate chất lượng tuyệt hảo, và “cú sốc theo kiểu chúng ta”. Những chương trình quảng cáo này do hãng Lowe Adventa thực hiện, tuy nhiên chẳng có mấy hiệu quả.

   Lần quảng cáo tiếp theo cho kẹo “Shock”, nhiệm vụ đặt ra cho hãng Lowe Adventa là vẫn giữ nguyên ý tưởng gây “shock”, nhưng phải mới lạ và độc đáo. Rất nhiều ý tưởng được đưa ra, phương án cuối cùng được giám đốc Vitali lựa chọn là: dùng máy quay lén những cảnh tự nhiên nhất. 

   Thế là, trong video quảng cáo cho “Shock” mới, người ta thấy những đám thanh niên trêu chọc các khách ra vào và những người đi đường. Lúc thì đám trẻ này mặc giả manơcanh rồi đột ngột “sống lại”, lúc thì đám trẻ lấy gỗ dán thành một bức tường trông y như thật và đặt ngay sau cửa ra vào một chung cư nào đó để đùa giỡn với những người sống trong đó. Và nhóm quay phim ở một góc khuất đâu đó xung quanh, lén quay lại những cảnh thú vị này. Và sau mỗi lần quay, đám trẻ được đề nghị ký hợp đồng cho phép sử dụng cảnh quay vào mục đích quảng cáo, giá chỉ khoảng 200 đến 300 rúp (khoảng 10 đôla).

   Những cảnh quay này, nếu là người lớn xem thì sẽ cho rằng là đơn giản. Tuy nhiên, đám trẻ thì lại rất thích. Đối tượng khách hàng của hãng kẹo Shock chủ yếu là giới trẻ, vậy là họ thành công. 

   Ý tưởng nảy sinh từ tâm lý tò mò 
   Nhãn hiệu mỹ phẩm Fleur de Sante của Thuỵ Điển có mặt ở thị trường Nga chưa đầy 1 năm, song đã kịp thời xuất hiện trên tivi. Người được giao tổ chức quảng cáo cho nhãn hiệu này là Liudmila Novichenkova, vốn phụ trách bộ phận public relation (PR) cho hãng Comandor.

   Ý tưởng quảng cáo độc đáo của Liudmila hình thành trên một chuyến tàu điện ngầm lặng lẽ. Một số người trên tàu lật giở những tờ báo, những cuốn tạp chí. Liudmila không có gì để đọc nên liếc qua tờ báo  của người ngồi cạnh. Tự dưng, cô nảy ra ý nghĩ rằng: có lẽ mọi người đều rất hứng thú với việc đọc lén qua vai người bên cạnh. Thế  là một cách marketing độc đáo được thực hiện: Liudmila cho mấy cô gái vào tàu điện ngầm, ngồi lật giở những cuốn catalogue của công ty. Để có hiệu quả nhanh hơn, cô cử thêm mấy người vào ngồi cạnh mấy họ để cùng thảo luận sôi nổi về sản phẩm trong cuốn catalogue đó.

   Thế là, chỉ trong vòng 1 tuần, sau khi có khoảng 100 nhân viên marketing “lượn lờ” trong các toa tàu điện ngầm Moscow và Sain Peterburg, 200 cuốn catalogue được phát ra và rất nhiều người đến xin làm nhân viên tư vấn. Nhiều người cũng mua mỹ phẩm ngay trong tàu điện ngầm. Nhãn hiệu Fleur de Sante chỉ nhờ kiểu sales truyền miệng này mà trở nên phổ dụng trên đất Nga và doanh thu ngày một tăng cao.  

   Tín dụng theo hoàn cảnh
   Hãng quảng cáo Made, sau khi chỉ ra cho Ngân hàng tín dụng Matxcova về sự đơn điệu vô dụng của hầu hết các quảng cáo của ngân hàng này đã thuyết phục được họ rằng : đã đến lúc cần có một ý tưởng quảng cáo cụ thể hơn.

   Và ý tưởng quảng cáo của Made cho Ngân hàng Maxcova được hình thành hết sức ngẫu nhiên. Giám đốc sáng tạo của Made là Shipov tình cờ một hôm đi ngang qua một ngôi nhà đang sửa chữa được quây bằng một tấm lưới xanh. Thế là ông nảy ra ý định đặt một tấm biển quảng cáo ra ngoài tấm lưới với dòng chữ “Không có tiền sửa chữa? Hãy xin tín dụng Maxcova”. Từ ý tưởng này, nhóm sáng tạo của Shipov đã phát triển một loạt những phương án khác như: Không có tiền đổi xe mới, hãy xin ngân hàng Matxcova cấp tín dụng”. Hoặc trên quầy kính cửa hàng bán áo lông: Vợ trẻ, chi phí tốn kém? Hãy xin tín dụng của Ngân hàng Matxcơva”. Và kết quả nhận được thật khả quan: Ngân hàng này hoàn thành kế hoạch cả năm trong vòng chưa tới 6 tháng.

» Related Articles: