LONG MẠCH VÀ HUYỆT ĐẠO Posts by : STEVE THAI

   Ngày xưa, khi xây dựng  kinh đô, thành luỹ, đền miếu, mộ phần, thậm chí cả nhà ở, người ta đều chú ý đến long mạch và huyệt đạo. Giờ đây, dù bận rộn với cuộc sống hiện đại, nhưng nhiều người vẫn chú ý đến vấn đề phong thuỷ này. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về long mạch và huyệt đạo cũng như việc khai thác công dụng của nó cho những công trình xây dựng.

   Thế nào  là long mạch và huyệt đạo ?
   Người xưa trong quá trình quan sát thế giới tự nhiên đã nhận thấy giữa vũ trụ và con người có mối quan hệ tương tác khá chặt chẽ. Khoa học hiện đại cũng chứng minh rằng sông ngòi, mạch nước, núi non, gò đồi…là biểu hiện của các biến đổi địa chất tích luỹ hàng triệu năm trong vỏ trái đất. Những quá trình vật lý hoá học đó diễn ra trong lòng đất chạy thành hệ mạch, cũng gần giống như hệ thống mạch máu trong cơ thể con người.

   Mạch của đất gọi là long mạch, việc tìm đất gọi là tầm long, công cụ định thế và hướng đất là cái tróc long. Theo phép tầm long trong phong thuỷ truyền thống, trước hết phải tìm tổ sơn, rồi dò theo long mạch mà tìm đến huyệt. Huyệt thường là các thế đất hội tụ các yếu tố đắc ý của các qui tắc phong thuỷ như : có một quả đồi án làm che trước mặt (tiền án), có một ngọn núi làm chỗ dựa về sau (hậu chẩm), bên trái có tay long, bên phải có tay hổ (gọi là tả thanh long, hữu bạch hổ). Tay long và tay hổ có thể là đồi núi, bờ ruộng.. có dạng cánh cung liên hoàn với nhau. Tay long (bên trái, phương đông) lồng ra ngoài tay hổ (bên phải, phương tây) là tuyệt cách. Huyệt còn phải có chỗ trũng cho nước tụ lại ở trước (minh đường).

   Long mạch và huyệt có thể ở qui mô lớn hoặc nhỏ, có thể cả một vùng lãnh thổ với những dãy núi nhiều ngọn, những dòng sông suối… có khởi đầu, có kết thúc. Chẳng hạn ở Việt Nam, hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình làm nên địa mạch vùng đồng bằng Bắc Bộ, lưu vực sông Đồng Nai và Vàm Cỏ làm nên vùng Sài Gòn, Biên Hoà và phụ cận là nơi dân cư hội tụ, thị tứ sầm uất.

   Có thể tạo ra long mạch và huyệt đạo được không ? 
   Long mạch và huyệt không thể do con người tạo ra được, mà là kết quả tích tụ, biến đổi qua thời gian của tự nhiên, biểu hiện lên bề mặt địa hình bởi những dấu hiệu mà ta có thể quan sát được. Dân Việt ngày xưa, khi định đô, dựng thành luỹ, kiến thiết kinh thành, thị tứ…đều nghiên cứu rất kỹ long mạch, huyệt vị của cuộc đất và mỗi vị trí được chọn đều là những yếu tố tối ưu mà thuật phong thuỷ đòi hỏi. Nếu để ý xem xét dưới góc độ phong thuỷ thì các công trình lớn của dân tộc như kinh thành Huế, thành Gia Định… xưa đều có tiền án, hậu chẩm, tả thanh long, hữu bạch hổ…rất đẹp.

   Ở qui mô hẹp hơn là những công trình nhà riêng lẻ của mỗi người, trong điều kiện đất chật người đông, nhất là trong thành phố lớn, yếu tố long mạch huyệt vị rất khó xác định và chọn lựa. Tuy nhiên, trong một chừng mực nhất định ta cũng có thể xem xét đến yếu tố này. Chẳng hạn một dự án khu dân cư có mặt tiền nhìn ra một con sông lớn bao giờ cũng tốt hơn một dự án đối diện ngọn núi cao. Hoặc dự án mà hai bên là hai con đường rộng, tạo thành thế thanh long- bạch hổ là những dự án có hình thế đẹp, nên chọn mua nền. Ở nơi hẹp hơn nữa,cũng không nên chọn mua nền nhà hay một căn hộ mà tầm nhìn trước mặt bị che chắn một cách bức bối, hoặc đường giao thông từ nơi ở ra bên ngoài quá chật hẹp, chất đất quá xấu.

   Về vấn đề móng, ngày nay việc ép cọc bê tông và khoan nhồi đã là kỹ thuật phổ biến. Kỹ thuật này chỉ tác động cục bộ ở một vài vị trí nhất định đến địa chất, tự nhiên, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với long mạch hay huyệt đạo của cả một vùng rộng lớn nên không tạo nên hệ luỵ gì, xét về phong thuỷ cho gia chủ.

   Tuy nhiên, với một số người cầu toàn thì trong quá trình xây dựng cũng có tham khảo ý kiến của nhà phong thuỷ để tạo dòng chảy, khơi nguồn nước cho cuộc đất thông qua việc thiết kế một số đường cấp, thoát nước, hồ cá dưới dạng giếng nước…gián tiếp tạo ra một “tiểu long mạch” hay huyệt đạo nhỏ.

» Related Articles: