SỐNG PHẢI CÓ MỤC TIÊU VÀ PHẤN ĐẤU Posts by : STEVE THAI
DN: Xin anh vui lòng cho biết đôi điều về anh và gia cảnh:
A. Daniel Hoàng: Daniel là tên Mỹ, tên thật là Đặng Xuân Hoàng, sinh năm 1970, tại thành phố Pleiku thuộc cao nguyên trung phần, xuất thân trong một gia đình Nho giáo. Gia đình gồm có tất cả 5 anh em. Thân phụ là một cựu sĩ quan quân lực Việt Nam cộng hoà và là một nhà thơ, với bút hiệu Mây Ngàn. Cha miền Trung, mẹ miền Bắc. Tôi sinh ra và lớn lên trên quê hương còn ngập tràn khói lửa, binh đao. 
DN: Anh rời Việt Nam vào thời gian nào?
A.Daniel Hoàng: Đi học các trường tiểu học và trung học ở cao nguyên Daklak, và Sàigòn, tháng 4 năm 1985 tôi theo người chú để vượt biên trong một đêm tối trời tại thành phố Nha Trang. Trên một chiếc thuyền nan bé tí tẹo, không nước, không lương thực suốt hơn hai tuần lênh đênh trên biển sóng gió rất dễ sợ. May mắn là giữa giờ tuyệt vọng thì được tàu đánh cá của người Phillippines phát hiện và đã cứu được 18 người trên ghe.
DN: Anh bắt đầu cuộc sống ra sao khi đặt chân lên Hoa Kì
A.Daniel Hoàng: Cuộc đời tôi không thể nào quên được những tháng ngày gian lao vất vả và đầy nguy hiểm này, cũng may còn phước đức ông bà cha mẹ nên gặp được nhiều quí nhân trong thời gian vào trại tỵ nạn Palawan, Phillippines. Vào tháng 9 năm 1986 tôi và chú được định cư sang Mỹ và ở tại thành phố Houston, Texas. Được vợ chồng cô chú (em của ba), hiện giờ là chủ nhân tiệm vàng (Kim Jeweler) ông Bùi Nghĩa và bà Đặng Kim thương, nuôi ăn học, lúc bấy giờ gia đình cô chú rất nghèo và gian nan, dượng thì làm 2 jobs, 7 ngày 1 tuần, và cô cũng vậy để nuôi 3 đứa con và sau này tôi nữa là 4. Vì ý chí và sự cố gắng, 2 người đã rất thành công sau này, hình ảnh đó tôi không quên được vì nó đã dạy cho tôi được một bài học ở đời - sống phải có mục tiêu và phấn đấu. Tuy còn quá non trẻ nhưng tôi đã ý thức được cuộc sống nghèo khó vất vả của mẹ và 3 em còn bé nhỏ ở quê nhà và nhất là thương nhớ ba tôi lúc đó còn đang trong tù cải tạo. Sau mỗi ngày đi học về, tôi và người anh con bác cùng trang lứa, hai anh em đi làm bồi bàn để kiếm tiền ăn học và gởi về giúp đờ cho gia đình. Sau một thời gian học hết trung học, thì nghe được tin rất vui là ba tôi đã vượt biên được và qua tới Mỹ, lúc đó tôi và ba dời về miền bắc - Saint Paul Minnesota. Xứ lạnh quê người, theo học trường kỹ thuật ở Saint Paul và ban đêm đi làm hãng thịt đông lạnh cho đến khi học xong. (lúc bấy giờ mẹ tôi và 3 đứa em vẫn còn ở lại Việt nam) Cuộc sống lúc đó rất lênh đênh, vất vả, và rất buồn. Tôi thấy mình dường như đã bị mất đi thời thơ ấu của tuổi hồn nhiên và mái ấm gia đình. Mà không bao giờ có lại được. Thật thương cho số phận của người tỵ nạn lưu vong, năm lên 10 tuổi tôi đã xa gia đình về Sàigòn ở với 1 người bác để được ăn học, tuổi thơ ấu ở gần với cha mẹ tôi nghỉ chỉ có được vài năm mà thôi.


DN: Anh bắt đầu sự nghiệp bằng cách nào?
A. Daniel Hoàng: Vốn được sinh trưởng trong một gia đình đã có kinh nghiệm trong ngành kim hoàn, trước 1975 bác và bà nội đã mở tiệm vàng ở tại thành phố Pleiku, lúc này tôi mới lên ba, lên năm, nhưng sau này được ba mẹ kể lại ít nhiều kinh nghiệm về ngành kim hoàn. Vào ngành kim hoàn là một cơ duyên thật may mắn đến với gia đình cũng như cá nhân tôi. Vào khoảng năm 90-91 tôi và ba tôi mở một tiệm vàng ở Flea Market mà người ta hay gọi là chợ trời, phần đông khách hàng là người Mễ tây cơ. Tuy bước đầu gặp nhiều vất vả khó khăn nhưng dần dần với ý chí quyết học, quyết làm, tôi thấy mình từ từ đã có phần tiến bộ. Thời gian lặng lẽ trôi qua và cuộc đời chẳng phải êm đềm như dòng nước về mùa thu, để rồi phải trải qua nhiều gian nan trong cuộc sống. Đầu năm 93 tôi muốn thử thời vận nên đã bắt đầu khai trương một tiệm mới cho riêng tôi . Một thân một mình, sau một thời gian tôi thấy buôn bán không phát triển, tài chánh thì lại eo hẹp, thiếu nhiều vốn đầu tư. Không nản lòng tôi đã cố gắng học thêm về ngành kim hoàn, vì tôi muốn chuyển sang (fine jewelry) từ flea market, nhưng muốn đạt được một tay nghề giỏi điêu luyện thì phải mất rất nhiều năm học hỏi và rèn luyện, tôi mới bỏ ra một thời gian mua thêm sách vở, băng video của ngành kim hoàn và tự nghiên cứu thêm. 
DN: Xin anh vui lòng cho biết đôi nét về công ty của anh hiện nay
A.Daniel Hoàng: Daniel & Co. chuyên sản xuất các mặt hàng cao cấp designs danh tiếng. Một điều may mắn là nhờ có được uy tín, máy móc hiện đại. Công ty của tôi được trang bị hoàn toàn máy móc mới nhất hiện nay trên thị trường, từ máy hàn laser cho đến ngay cả những kiểu mẫu thời trang mới bây giờ cũng được design, vẽ bằng computer và cắt ra bằng máy công nghệ của CNC. Chúng tôi đã có rất nhiều khách hàng (gồm nhiều tiệm vàng ở Houston và ngoài tiểu bang) đặt hàng và đã từng làm những chiếc nhẫn trị giá trên 100 ngàn là thường, và công ty càng ngày càng phát triển lớn hơn, về mọi mặt. 
DN: Anh đã lập gia đình chưa?
A. Daniel Hoàng: Tôi đã lập gia đình cùng vợ là Bùi Ngọc Thuý, con ông bà Bùi Ngọc Tuyền vào năm 2003, cô cũng sinh ra trong một gia đình nho giáo, ba vợ tôi cũng là cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà, và mẹ vợ là một giáo viên. Hai gia đình rất thân thiết và hạnh phúc, cám ơn hai cha mẹ. Và cám ơn bà xã, đã giúp việc và đóng góp cho công ty rất nhiều.
DN: Hiện nay anh có bao nhiêu chi nhánh ở Houston?
A. Daniel Hoàng: Tháng 3 vừa qua tôi mở thêm một show room nằm trên đường Westheimer và Chimeyrock để trưng bày sản phẩm của công ty , do chính Daniel & Co design và gia công tại chi nhánh 1, nằm trên đương Richmond / fountainview.
DN: Xin anh vui lịng chia sẻ them vi điều về cuộc sống của anh.
A.Daniel Hoàng: “Thắng không kiêu, bại không nản” và luôn luôn lấy phương châm “thất bại là mẹ thành công”, “có chí làm quan, có gan làm giàu”, “có công mài sắt, có ngày nên kim”. Thương trường cũng như chiến trường, không ai luận anh hùng qua sự thành bại, buôn bán lời lỗ là lẽ thường, và đừng bao giờ để lỡ cơ hội. Ngạn ngữ ta có câu “biết cơ trời, mười đời không đói”. Lẽ dĩ nhiên mình cũng phải tính được phần trăm của sự rủi ro trong thương trường của mình. Người ta thường nói trong thương trường cũng như chính trường, chỉ khác biệt là “thương trường cần có đạo đức, thành thật và uy tín”. Nói một cách khác, cạnh tranh hữu hiệu với các công ty khác là luôn luôn chứng minh cho khách hàng thấy rằng mình buôn bán thật thà, uy tín giá cả phải chăng, đầy đủ mặt hàng và luôn thay đổi kiểu mới lạ, bảo đảm chất lượng sản phẩm của mình, tiếp đãi khách nồng hậu, không nói thêm cũng không trả bớt, và tuyệt đối không bao giờ nói xấu về những công ty đối thủ của mình trước mặt khách hàng để chứng tỏ là mình tốt hơn.


DN: Xin anh cho  biết thêm những sản phẩm và kế hoạch của Daniel & Co.
A.Daniel Hoàng: Mặt hàng (đặc biệt là ngành kim hoàn của tôi) luôn luôn phải được thay đổi kiểu mới, mẫu mã, để theo kịp thời trang và thị hiếu của khách, tôi nghĩ nếu thực hiện được thì mình sẽ giữ được khách quen của mình và gây tiếng tăm, để thu hút thêm khách mới. Quảng cáo dài hạn. Một quảng cáo hay cũng là một phong cách cạnh tranh hữu hiệu. Riêng công ty của tôi thì tôi để một khoảng tiền riêng để chuyên dành cho quảng cáo mà thôi, ngoài báo chí, còn có radio và tài trợ cho hội đoàn, show ca nhạc v.v.... Nói tóm lại phải chi nhiều mới thâu vô nhiều, lẽ dĩ nhiên phải luôn luôn lấy chữ tín làm đầu, làm mọi điều để tạo được niềm tin ở nơi khách hàng, tiếp đãi ân cần, chu đáo và thành thật. Khiêm tốn nhã nhặn sẽ đưa đến sự tăng trưởng cho cơ sở thương mại (tiếng lành đồn xa). Từ trước tới nay tôi chỉ có làm hàng cho các tiệm vàng mà thôi nên show room mới tại đường Westheimer - góc Chimey Rock là để trưng bày sản phẩm của mình và chính thức ra thị trường bán lẻ thay vì bán sỉ như trước đây. Thông thường tôi làm việc từ 9am tới 7pm nhưng từ ngày có show room thì tôi làm nhiều giờ hơn và kể cả thứ bảy, lâu lâu chủ nhật. Tuy mất rất nhiều thời gian cho công ty nhưng tôi cảm thấy vui, và phấn khởi vì công việc liên quan đến nghệ thuật, đá quí, kim cương, đá màu v.v... mỗi sản phẩm mới, design mới ra đời là một niềm vui. Tương lai kế đến tôi dự định kết hợp cả hai công ty vào một để dễ dàng làm việc,tiện nghi và tiết kiệm thời gian, sau đó sẽ mở chi nhánh trong các Mall lớn để mở rộng thêm thị trường cho sản phẩm và service của mình. Dĩ nhiên trong mọi lãnh vực về thương mại, không sao mà tránh được những rủi ro (risk), tuy nhiên chúng ta phải cẩn thận và tính toán kỹ lưỡng, (tri hành hợp nhất) suy nghĩ đi đôi với hành động, nhưng phải luôn luôn giữ vững niềm tin
DN: Xin anh có đôi lời trước khi kết thúc buổi trò chuyện hôm nay.
A. Daniel Hoàng: Công ty Daniel & CO. và cá nhân tôi thành thật cảm ơn anh Steve Thái cũng như ban biên tập đặc san Doanh Nhân Magazines, và toàn thể quí độc giả, đã cho tôi cơ hội để bày tỏ và chia sẻ chút ít kinh nghiệm trong thương mại. Tôi xin chân thành cảm ơn quí thân chủ đã viếng và sẽ đến thăm công ty Daniel & Co. Hy vọng quí vị sẽ cho chúng tôi có cơ hội phục vụ tốt hơn trong thời gian sắp đến. Kính chúc quí vị luôn luôn gặp nhiều may mắn, an lành và tràn đầy phước lành. Thân ái cầu chúc anh Steve Thái và toàn thể ban biên tập đặc san Doanh Nhân Magazines thăng tiến và mỗi ngày mỗi nhiều độc giả hơn. 

Trân trọng kính chào 

Thay mặt Daniel & Co. 

Đặng Xuân Hoàng 

» Related Articles: