TRỞ VỀ HÀ NỘI Posts by : STEVE THAI

   Chuyến du hành 10 ngày về thăm Quê Hương Mến Yêu  đã chấm dứt, từ giã Bến Gio, chúng tôi đi doc theo con đường ven biển, trở về Hà Nội. Qua phà Hải Phòng, thấy sự phồn thịnh của thành phố cảng,  chúng tôi bâng khuâng   với những  cảm nghĩ vui buồn lẫn lộn,  vì chẳng bao lâu nữa, những cầu tre, cầu khỉ, nhà sàn  ở những buôn bản nghèo sẽ không còn nữa, thay vào đo  là những nhà hộp xây cất theo kiểu hiện đại, cầu sắt hoặc cầu xi măng. Xe bò hoặc xe ngựa được thay bằng xe "công nông".

   “Ra đường sợ nhất Công Nông”
   “Về nhà sợ nhất vợ không mặc gì”

   Thấy chúng tôi ngơ ngác, anh hướng dẫn viên giải thích Xe Công Nông là loại xe chế tạo bởi các anh thợ rèn chuyên nghiệp, xe chế từ sắt phế thải  và dùng  máy bơm nước cho động cơ,  những căn bản về an toàn điều hành gần như không có hoặc sơ sài, cho nên khi thấy xe công nông, mọi người đã phải tránh né từ xa để khỏi bị đụng.  Đi làm lao đông đã mệt nhọc, ra đường phải ngóng xe công nông, về tới nhà thấy vợ tình xuân phơi phới, anh chàng thiếu may mắn này phải kinh hoàng bở vía là đúng lắm rồi. Nghe lời nói khôi hài của anh, mọi người bật cười quên cả đường xa mệt nhọc.

   Trên đường về Hà Nội,  xe dừng lại nghỉ trưa tại tiệm bánh đậu xanh Hải Dương, đây là một tiệm bánh lớn, nhắm vào du khách, sau đó, gần tới Hà Nội, phái đoàn nghệ sỹ nhiếp ảnh ngừng chân ở Bát Tràng  để thăm một lò gốm nổi tiếng. 

   Chúng tôi có dịp thưởng thức những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, biến những dẻo đất sét thành những bình trà,  tách rượu thật thẫm mỹ, Đồ gốm Bát Tràng, Hải Dương nổi tiếng khắp Đông Nam Á từ xưa, qua mặt cả đồ gốm thời Khang Hy bên Tàu. Năm 1400, một chiếc thuyền lớn chở đồ gốm bị chìm ở độ sâu 400 mét gần Hội An, Mãi đến năm 1998,  số đồ gốm này gọi là "Hoi An Hoard" đã được mang lên bờ và gây tiếng vang khắp thế giới về đồ gốm Việt nam.

   Trạm dừng chân cuối là quán thịt rừng gần Hà Nội,  chúng tôi thử  món cá ngạnh sông Đà, chỉ có ở vùng hạ lưu sông Đà, và một món mà cả phái đoàn Nhiếp ảnh đều háo hức là món chim Đa Đa quay, xuống bếp, tôi lựa 4 con chim Đa Đa béo nhất trong lồng để bà chủ quay ròn. Chim Đa Đa lớn hơn chim cút. Ở Mỹ, chim Đa Đa nổi tiếng qua dăm bẩy bài hát “Chuyện tình Đa Đa”, “Đừng trách  chim Đa Đa” v.v. làm ai cũng tò mò xem nó ngon như thế nào mà lại được nhắc nhở nhiều như vậy; “giá chim Đa Đa đã tăng lên gấp 2,3 lần mà vẫn không đủ hàng cho khách”. Bà chủ quán giải thích,  tuy nhiên với tôi, thịt chim Đa Đa chẳng khác gì thịt chim bồ câu.

   Xe đã về đến Hà Nội, mọi người quyến luyến chia tay, một số về Huế, Sàigòn  thăm gia đình. Riêng tôi, sẽ ở lại Hà nội một hai ngày để thăm họ hàng vàghé qua phố Hàng Đào, chợ Đồng Xuân  mua quà cáp về Houston.  
Sau mười ngày trèo đèo lội suối,  Hà Nội bỗng trở nên gần gũi, thân thương hơn bao giờ hết. Đây là một thành phố mà bao giờ tôi cũng muốn trở lại nếu có dịp về thăm quê hương. Buổi tối, tôi cố thu xếp công việc để thăm hồ Gươm lần chót, ghi nhận những hình ảnh cuối cùng  vào máy, và mong về Hà Nội trong những chuyến hành trình nhiếp ảnh  tương lai. 

   Bài viết "Trở Về Hà Nội"  là bài tường trình cuối cùng của chuyến  viễn du 10 ngày về thăm quê hương mến yêu của chúng tôi, đã đăng liên tục trên  Doanh Nhân trong suốt 2 năm vừa qua. Trong những số báo tới,  hội ảnh VPAS xin mời các bạn thăm viếng những địa danh nổi tiếng ở Houston cũng như ở toàn cầu. Đây là những loạt bài phóng sự du lịch qua cặp mắt nhìn của các nhiếp ảnh gia của hội ảnh VPAS. Xin mời các bạn đón xem.

» Related Articles: